Chuyển giá ....và chống chuyển giá





Chuyển giá là thủ thuật của công ty mẹ ở nước ngoài. Công ty mẹ này sẽ thành lập một công ty con ở nước khác. Sau đó, công ty con sẽ mua nguyên vật liệu với giá cao ngất ngưỡng. Điều này sẽ làm các nhà cung cấp nguyên vật liệu sẽ sẵn sàng bán cho các công ty con này. Các công ty con sau khi sản xuất ra sản phẩm lại bán với giá thấp ra thị trường để cạnh tranh, một phần sản phẩm thì bán về cho công ty mẹ với giá thấp này. Kết quả là công ty con sẽ bị lỗ dẫn đến không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp cho nhà nước. Còn công ty mẹ thì mua được hàng giá rẻ và bán với giá bằng giá thị trường nước ngoài.
Trường hợp khác là nước công ty mẹ chịu thuế cao còn nước công ty con chịu thuế thấp. Khi bán hàng ở nước của công ty con và chuyển lợi nhuận cho công ty mẹ. Công ty mẹ sẽ không đóng thuế do đã nộp thuế ở nước của công ty con.
Kết quả, thất thoát thuế nước của công ty con. Giá nguyên vật liệu tăng cao, giá hàng hóa giảm gây ra cuộc chiến giá cả. Còn công ty mẹ thì tìm được một lợi nhuận lớn.

 ------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Chống chuyển giá: Những bài học từ Trung Quốc

 

Các chuyên gia kinh tế trên thế giới cho rằng những năm gần đây quản lý nguyên tắc giá thị trường cực kỳ khó khăn; các nước trên thế giới có những vấn đề lớn về hoạt động chuyển giá; các công ty đa quốc gia có sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu về giá chuyển nhượng từ khắp nơi trên thế giới và lập kế hoạch kỹ lưỡng nhằm giảm thiểu tiền thuế; mọi giao dịch phát sinh trong doanh nghiệp (mua, bán hàng, bán tài sản vô hình, phí bản quyền, phí quản lý, chi phí tài chính, phân tán rủi ro, ngoại hối, bản hiểm…) đều có khả năng là giao dịch liên kết.


Theo thông lệ quốc tế, chuyển giá được hiểu là “việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn qua biên giới không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế phải nộp của các công ty đa quốc gia trên toàn cầu. Để làm được điều này, công ty đa quốc gia thường nắm bắt và vận dụng những quy định khác biệt về thuế giữa các quốc gia, các ưu đãi trong quy định thuế để xây dựng và áp dụng một chính sách về giá giao dịch nội bộ trong tập đoàn


. Theo đó, giá chuyển giao giữa các thành viên trong nội bộ tập đoàn có thể được định ở mức “cao hay thấp” tùy vào lợi ích đạt được từ những giao dịch này. Tuy nhiên, trên thực tế, chuyển giá không chỉ được thực hiện bởi các công ty đa quốc gia, mà nó còn được thực hiện bởi các công ty có nhiều công ty con chỉ hoạt động kinh doanh trong nước hoặc thậm chí được thực hiện bởi các công ty là các chủ thể kinh tế độc lập song chủ sở hữu của chúng lại có mối quan hệ thân nhân với nhau. Như vậy, cần hiểu hành vi chuyển giá theo một nghĩa rộng hơn, đó là hành vi do các chủ thể kinh doanh thực hiện bằng cách thay đổi giá trị trao đổi hàng hóa, dịch vụ trong quan hệ với các bên liên kết nhằm tối thiểu hóa tổng số thuế phải nộp của các đối tác liên kết. Cơ sở cho việc chuyển giá xuất phát từ quyền tự do định đoạt trong kinh doanh, các chủ thể hoàn toàn có quyền quyết định giá cả của một giao dịch kinh tế. Do đó, họ hoàn toàn có quyền mua hay bán hàng hóa, dịch vụ với giá họ mong muốn. Quyền này được pháp luật về kinh doanh của mọi quốc gia thừa nhận, nó chỉ bị hạn chế bởi các quy định pháp luật có liên quan, chẳng hạn như pháp luật về cạnh tranh, về thương mại hoặc chính bởi những điều luật về định giá chuyển giao. Động cơ của hành vi chuyển giá, không gì khác, chính là lợi nhuận của hoạt động kinh doanh xét trên phương diện tổng thể. Việc xác định giá giao dịch giữa các thành viên của các bên liên kết không thay đổi tổng lợi ích chung nhưng có thể làm thay đổi tổng nghĩa vụ thuế của họ. Thông qua việc định giá, nghĩa vụ thuế được chuyển từ nơi bị điều tiết cao sang nơi bị điều tiết thấp hơn và ngược lại
Đánh giá tác động của hoạt động chuyển giá đối với quốc gia cho thấy: hoạt động chuyển giá diễn ra dưới dạng định giá cao các yếu tố đầu vào nhằm rút ngắn thời gian thu hồi vốn của công ty mẹ, dẫn đến các luồng vốn có xu hướng chảy ngược ra khỏi quốc gia tiếp nhận đầu tư; hành vi chuyển giá này sẽ làm thay đổi cơ cấu vốn của nền kinh tế quốc gia tiếp nhận dòng vốn đầu tư, dẫn tới sự phản ánh sai lệch kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, tạo ra một bức tranh kinh tế không trung thực. Trường hợp, quốc gia tiếp nhận dòng vốn đầu tư có mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc loại thuế tương đương với thuế thu nhập doanh nghiệp thấp (thường được gọi là thiên đường thuế) thì các công ty sẽ có lợi thế về số thu thuế thông qua chuyển giá. Tuy nhiên, lợi thế này không bền vững khi mà các quốc gia khác có liên quan tăng cường các biện pháp quản lý về giá chuyển nhượng. Đây là nguyên nhân dẫn tới khủng hoảng kinh tế tại các thiên đường thuế này. Do có lợi thế về nguồn vốn đầu tư dồi dào, các công ty đa quốc gia dễ dàng thôn tính các công ty trong nước thông qua các chiêu thức quảng cáo và khuyến mại lớn dẫn tới hậu quả là lũng đoạn thị trường. Các công ty trong nước không đủ tiềm lực tài chính để cạnh tranh nên dần dần sẽ bị phá sản hoặc buộc phải thay đổi ngành nghề, sản phẩm kinh doanh. Khi đó, các công ty đa quốc gia dần trở nên độc quyền, thao túng thị trường trong nước, độc quyền kiểm soát giá cả và hậu quả là các quốc gia này sẽ gặp khó khăn trong quá trình hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô và không thể thúc đẩy các ngành sản xuất nội địa phát triển, thiệt hại cho người tiêu dùng. Sự phụ thuộc kinh tế của quốc gia tiếp nhận đầu tư vào các công ty đa quốc gia này sẽ kéo theo sự chi phối về chính trị. Các hành vi chuyển giá chính thường gặp: Một là, chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình. Hai là, chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản vô hình, bao gồm: chuyển giao đối với tài sản vô hình hình thành từ hoạt động nghiên cứu phát triển và hoạt động marketing; chuyển giao tài sản vô hình là những bí quyết sản xuất, kinh doanh. Ba là, chuyển giao quyền sáng chế (đóng góp cho quá trình hình thành, duy trì và phát triển tài sản vô hình). Bốn là, chuyển giá thông qua cung ứng dịch vụ. Năm là, chuyển giá thông qua hoạt động tín dụng…
Thời gian qua, chính sách đối với hoạt động chuyển giá ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế nhất định. Học tập kinh nghiệm một số nước trong việc xây dựng các quy định pháp luật về chống chuyển giá và thực tiễn đã thành công chống chuyển giá là điều cần thiết với Việt Nam. Trong khuôn khổ bài viết, tác giả xin giới thiệu những kinh nghiệm của Trung Quốc trong hoạt động chống chuyển giá.
Nhìn lại, quá trình xây dựng Luật Thuế Trung Quốc và Thuế chống chuyển giá, Trung Quốc cũng phải trải qua một giai đoạn khá dài. Trung Quốc ba lần cải cách lớn về chính sách thuế: năm 1950, xây dựng chế độ thuế mới (gồm 18 loại thuế); năm 1958, đơn giản hóa chế độ thuế, còn 14 loại thuế; năm 1977, chính sách thuế lại được cải cách; theo đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không chỉ đóng thuế tiêu thụ và thuế kinh doanh, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mà DNNN còn phải nộp lãi của quá trình sản xuất kinh doanh. Năm 1984 và năm 1994 chính sách thuế lại được điều chỉnh. Thời kỳ này, Trung Quốc đa dạng nguồn tài chính, công cụ thuế được tăng cường, thuế chiếm tỷ lệ cao trong thu ngân sách. Cùng với sự gia tăng đầu tư của các công ty đa quốc gia tại Trung Quốc và sự phát triển tập đoàn hóa, quốc tế hóa của các công ty trong nước, hiện tượng công ty Trung Quốc lợi dụng các công ty có liên quan trốn thuế xuyên quốc gia ngày một tăng. Việc chống trốn thuế quốc tế, xác định hợp lý định giá chuyển nhượng giữa các công ty có liên quan, đã trở thành vấn đề mới cấp thiết cần giải quyết của thuế vụ Trung Quốc. Trung Quốc đã ban hành một loạt Luật, chính sách thuế thúc đẩy kinh tế - xã hội Trung Quốc phát triển; đồng thời xây dựng nền kinh tế thị trường cạnh tranh công bằng và minh bạch. Hiện Trung Quốc dựa vào một số căn cứ pháp lý để xử lý vấn đề về chuyển nhượng định giá:
- Luật Quản lý trưng thu thuế Nhà nước nước Cộng hòa nhân dân (CHND) Trung Hoa, sửa đổi ngày 28/4/2001 tại kỳ họp lần thứ XI, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ IX.
- Nguyên tắc thực hiện Luật Quản lý trưng thu thuế Nhà nước nước CHND Trung Hoa (Quốc vụ viên công bố ngày 7/9/2002).
- Luật Thuế doanh nghiệp Nhà nước nước CHND Trung Hoa (tại kỳ họp lần thứ V, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ X thông qua ngày 16/3/2007).
- Điều khoản thực hiện Luật Thuế doanh nghiệp nhà nước nước CHND Trung Hoa (Quốc vụ viện công bố ngày 06/12/2007).
- Biện pháp điều chỉnh thuế đặc biệt, Tổng cục Thuế quốc gia Trung Quốc căn cứ vào quy pháp và hiệp định trưng thu thuế quốc tế có hữu quan (công bố ngày 28/01/2009).
Ngoài ra, còn có những quy định khác như: quy định do Chính phủ quy định theo Luật; quy định của bộ, ngành (Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Hải quan…) căn cứ quy định của Luật ban hành; quy định của địa phương, do Hội đồng nhân dân các cấp thông qua theo luật định; các văn bản của khu tự trị do HĐND khu tự trị ban hành; quy định của chính quyền địa phương do UBND thành phố, khu tự trị ban hành. Đến năm 2013, Trung Quốc cùng 99 quốc gia ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, trong đó 96 quốc gia đã thực hiện hiệp định.
Trong đó quan trọng nhất là Luật chống chuyển giá tại Trung Quốc, được xây dựng trên cơ sở các Luật, chính sách về thuế nêu trên và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Trung Quốc và các nước trên thế giới. Nội dung chính là:
Thứ nhất, Nguyên tắc cơ bản trong giao dịch, Luật chống chuyển giá quy định: “Đối với các giao dịch có liên quan giữa các công ty đa quốc gia, cơ quan quản lý thuế Trung Quốc có quyền xác định mức thuế hợp lý đối với các giao dịch đó”. Quy định này áp dụng đối với mọi giao địch giữa các công ty, tập đoàn đa quốc gia trong các hoạt động tài chính, kinh doanh, tiêu thụ dưới mọi hình thức trực tiếp hay gián tiếp hay cả đối với bên thứ ba. Nguyên tắc áp dụng một cách công bằng giữa các giao dịch, thông qua biện pháp: so sánh ngang bằng, tái tiêu thụ, giá thành, lãi ròng, tách lợi nhuận, giao dịch độc lập. Việc xác định các bên liên quan trong thực tế giao dịch thường xảy ra trường hợp: báo cáo tài chính, quản lý số dư sai; lập kế hoạch thuế, nghĩa vụ nộp thuế sai; tránh sự quản lý ngoại hối, chuyển tài sản ra bên ngoài; vi phạm chính sách quản lý các bên liên quan... Tại Điều 5 của Nguyên tắc thực hiện Luật Quản lý trưng thu thuế Nhà nước quy định: “Các hoạt động giao dịch trực tiếp hay gián tiếp giữa các bên hay đối với bên thứ ba có liên quan đến quyền lợi đều là đối tượng có liên quan trong luật thuế”. Và tại Biện pháp điều chỉnh thuế đặc biệt (Tổng cục Thuế quốc gia Trung Quốc năm 2009), những hoạt động giao dịch giữa các doanh nghiệp và cá nhân được định nghĩa như sau:
- Quan hệ cổ quyền: có 25% cổ phần trở lên hoặc khống chế 25% cổ phần trở lên đối với bên thứ ba hoặc thông quan bên trung gian có 25% cổ phần trở lên.
- Quan hệ tiền vốn: tiền vay trên 50% vốn sở hữu hoặc khoản vay trên 10% số tiền được bảo lãnh.
- Quan hệ quản lý: có trên 50% thành viên HĐQT do công ty khác cử đến và đại diện cho công ty đó; hoặc một thành viên có quyền khống chế được bên liên quan ủy thác, hoặc có quá bán số thành viên của cả hai bên (bao gồm cả thành viên HĐQT và Giám đốc) hoặc một đại diện cao cấp do bên thứ ba ủy thác.
- Quan hệ kinh doanh: một bên tiến hành sản xuất kinh doanh buộc phải được sự đồng ý của bên kia về sở hữu trí tuệ, kỹ thuật công nghiệp mới được coi là đủ điều kiện hoặc một bên kinh doanh dưới sự chỉ đạo của bên kia.Cung cấp lao động theo yêu cầu của bên kia. Kinh doanh và giao dịch theo yêu cầu của bên kia, hoặc có quan hệ về quyền lợi giữa hai bên, tuy chưa tới mức quy định tại quan hệ cổ quyền
- Quan hệ khác: các bên có quyền lợi về kinh tế, có quan hệ thân thuộc, gia tộc, gia đình.
Thứ hai, Quản lý hoạt động chuyển giá, theo Luật Thuế doanh nghiệp nhà nước, Điều 41 quy định: Những giao địch không phù hợp quy định, cơ quan quản lý có quyền điều chỉnh thuế, giá. Khi tính thuế theo phương thức độc lập. Điều 110 quy định: nguyên tắc giao dịch độc lập được nêu trong luật là nguyên tắc giao dịch trên cơ sở công bằng mà không có bất kỳ sự ràng buộc nào. Phương pháp quản lý trong Luật: Phương pháp so sánh là phương pháp được định giá trên cơ sở khách quan, công bằng; Phương pháp giá bán lại là phương pháp định giá cho bên khác một cách khách quan; Phương pháp giá thành, là phương pháp định giá trên cơ sở hợp lý các chi phí và lợi nhuận; Phương pháp tính lãi sạch là phương pháp đánh giá lợi nhuận khách quan giữa các bên mà không chịu sự ràng buộc nào; Phương pháp tách lợi nhuận là phương pháp chi lợi nhuận và gánh rủi ro hợp lý giữa các bên; Phương pháp phù hợp giao dịch độc lập khác (có tính linh hoạt, đôi khi mang tính chủ quan…).
Thứ ba, Điều chỉnh hợp lý và đàm phán quốc tế, Luật chống chuyển giá quy định: trong trường hợp doanh nghiệp không cung cấp được những thông tin cần thiết, cung cấp giấy tờ giả (hoặc có tẩy xóa sửa chữa), không phản ánh khách quan các hoạt động giao dịch thì cơ quan quản lý thuế sẽ xác định mức độ nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định (cơ quan thuế hoàn toàn có quyền điều tra). Đối với các khoản truy thu trong năm, sẽ áp dụng thu lãi theo ngày nếu nộp chậm sau ngày 01/6 của năm sau. Đối với các giao dịch bất hợp lý, cơ quan quản lý thuế có quyền quản lý, điều chỉnh thuế trong suốt 10 năm kể từ khi doanh nghiệp phát sinh nộp thuế…
Khi một bên trong giao dịch có liên quan bị điều chỉnh chuyển giá thì đồng thời áp dụng với bên kia tránh đánh thuế hai lần. Sau khi nhận yêu cầu của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế tiến hành đàm phán quốc tế. Khi có sự điều chỉnh đối với hoạt động chuyển giá thì doanh nghiệp phải có đề nghị bằng văn bản, đưa ra trình bày tại đàm phán để đưa ra việc điều chỉnh giá, đồng thời thông báo cho các bên. Sau khi nhận được đề nghị chuyển giá, doanh nghiệp phải có văn bản đề nghị thời gian thực hiện (trong khoảng thời gian Luật quy định), nếu vượt quá thời gian Luật đã quy định mà doanh nghiệp chưa thực hiện, thì cơ quan thuế sẽ không giải quyết. Khi thực hiện điều chỉnh chuyển giá có liên quan đến việc trả lãi, phí thuế, phí bản quyền cho nước ngoài mà đã được khấu trừ thuế thì không cần điều chỉnh. Khi có yêu cầu điều chỉnh giá, Tổng cục Thuế cần có kế hoạch để các bên tham gia đàm phán quyết định. Kết quả điều chỉnh sẽ do Tổng cục Thuế thông báo tới doanh nghiệp bằng văn bản. Không được khấu trừ lãi khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, không được khấu trừ cổ tức khi tính thuế.
Trên thực tế, doanh nghiệp thường bị chú ý điều tra chống chuyển giá là: có tổng mức giao dịch lớn và có nhiều giao dịch; lỗ một thời gian dài hoặc lãi rất ít mà vẫn mở rông kinh doanh, thị trường; lãi thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp cùng loại (trong khủng hoảng kinh tế, lãi của doanh nghiệp không cách biệt quá lớn); doanh nghiệp có sự biến động, thay đổi; xuất xứ của nguyên vật liệu (nhập các nơi khác, tỷ lệ thuế khác…); thường xuyên không chịu cung cấp tài liệu, giấy tờ theo quy định hoặc cung cấp không đầy đủ …
Thứ tư, Biên bản xác định giá thành, theo quy định của Luật việc tính giá thành với các bên liên quan theo phương thức giao dịch độc lập, ký biên bản xác định giá thành. Khi xác định giá thành, cần tính đến lợi nhuận kỳ vọng, gửi văn bản tới cơ quan thuế theo quy định. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày biên bản có hiệu lực, cơ quan thuế kiểm tra tính chính xác giao dịch độc lập, báo cơ quan cấp trên xem xét theo trình tự: theo biên bản có thể khấu trừ; những khấu trừ có liên quan đến bồi hoàn thì khấu trừ trong thuế TNDN tại năm đó; đối với tài sản vô hình thực hiện theo quy định có liên quan; đối với biên bản xác định giá thành đều phải cung cấp cho cơ quan thuế trước ngày 20/6 năm sau. Nếu vi phạm các quy định sẽ không được khấu trừ thuế. Trường hợp, Luật quy định không được khấu trừ là: không minh bạch; không phù hợp phương thức định giá độc lập; không tuân thủ quy định đối chứng; không tuân thủ những quy định, không cung cấp đầy đủ tư liệu tạo nên giá thành…
Thứ năm, Định giá dự kiến, Luật chống chuyển giá quy định: các doanh nghiệp có thể đăng ký giá dự kiến đối với cơ quan thuế, sau khi xem xét đánh giá bàn bạc đi đến thống nhất xác định giá sơ bộ. Kế hoạch được xây dựng theo nguyên tắc giao dịch độc lập cho tương lai, sau khi có đơn đề nghị định giá trình cơ quan thuế, hai bên sẽ tiến hành bàn bạc để xác định. Việc định giá dự kiến cần trải qua sáu công đoạn: chuẩn bị đàm phán, chính thức xin phép, đánh giá kiểm định, đàm phán, ký kết, quản lý. Tổng cục Thuế có Thông tư 1172 (năm 2005), yêu cầu các địa phương chú ý tính hiệu quả, không chạy theo số lượng, chú ý đến lĩnh vực trọng điểm và phải có đủ các yếu tố sau mới được thông qua giá dự kiến: doanh thu đạt 40 triệu RMB (Nhân dân tệ) trở lên; báo cáo đúng quy định; bảo quản, cung cấp đầy đủ tài liệu theo quy định. Đối tượng nộp thuế chủ động làm việc với cơ quan thuế; xác định giá có thể kéo dài từ 3 - 5 năm, hết hiệu lực tiếp tục đàm phán xác định giá mới (nhưng không quá 90 ngày). Doanh nghiệp có thể lựa chọn cơ quan thuế để bàn bạc về xác định giá của mình; trong khi thực hiện, các cơ quan thuế vẫn căn cứ trên tình hình thực tế kết hợp kinh nghiệm để đảm bảo thành công cho xác định giá.
Thứ sáu, Quy định đối với doanh nghiệp chịu sự chỉ đạo của nước ngoài: những công ty hoạt động trên lãnh thổ Trung quốc mà bị khống chế từ nước ngoài, phải nộp mức 25% thuế thu nhập. Nội dung khống chế gồm: những công dân Trung Quốc giữ 10% cổ phần trở lên đều có quyền biểu quyết; nắm giữ trên 50% cổ phần có quyền quyết định hoàn toàn; đối với công ty liên doanh hoạt động tại Trung Quốc hoặc công ty Trung Quốc nắm giữ cố phần tuy chưa đạt như quy định trên thì quyền hạn được thực hiện tùy theo số cổ phần, tiền vốn, kinh doanh hay tiêu thụ sản phẩm… Theo Điều 45 của Thông tư 37 của Tổng cục Thuế thì: nếu công ty Trung Quốc chứng minh được số cổ phần của mình tại công ty nước ngoài, thì số tiền đó được coi như phần cổ tức của công ty Trung Quốc; nếu chứng minh được số cổ phần tại công ty nước ngoài và thỏa mãn những điều: tại các quốc gia và khu vực có số thuế đóng cao, hoạt động có hiệu quả, lợi nhuận năm thấp hơn 5 triệu nhân dân tệ thì công ty Trung Quốc được coi như cổ tức cùng kỳ của công ty đó. Cơ quan thuế cần xem xét các báo cáo thuế, nếu phù hợp như quy định tại Điều 45 thì thu thuế theo quy định hiện hành. Nếu có chênh lệch trong đóng thuế TNDN của công ty Trung Quốc thì được coi số tiền chênh lệch đó là cổ tức của công ty Trung Quốc tại liên doanh; tính vào số thuế TNDN mà cổ đông đã đóng tại liên doanh nước ngoài. Những khoản thuế đã nộp tại nước ngoài thì không tính là lợi nhuận cùng kỳ của công ty Trung Quốc. Đầu tư tại nước ngoài của công ty Trung Quốc không thuộc đầu tư trong nước và những quy định có liên quan đến liên doanh thì xử lý thuế theo quy định.
Thứ bảy, Quy định thuế đối với trường hợp mua nợ. Mua nợ là đầu tư vào các khoản và lãi nhằm bồi thường về tài chính đối với bên liên quan; bao gồm: đầu tư vào các khoản nợ của bên thứ ba không thuộc các bên có liên quan; bên thứ ba đầu tư vào khoản nợ của bên liên đới trong liên doanh; bên thứ ba gián tiếp có quyền sở hữu khoản nợ đó. Khi khai báo thuế, lợi nhuận của liên doanh chi cho các bên liên quan, không được vượt quá những quy định (i và ii) thì được khấu trừ tại năm, không được chuyển sang năm sau. Những lợi nhuận chi cho các bên liên quan được tính như sau: (i) Đối với công ty tài chính tỷ lệ 5:1 (5 là vốn vay, 1 là vốn chủ sở hữu; khi vốn vay vượt quá 5 lần tiền vốn chủ sở hữu thì không được khất trừ, nếu không phải có đầy đủ tài liệu, chứng chứng hợp pháp); (ii) Đối với công ty khác thì tỷ lệ là 2:1.
Nếu có đủ tài liệu chứng minh công ty chấp hành đầy đủ nghĩa vụ thuế và giao dịch phù hợp với giao dịch độc lập theo quy định hoặc mức thuế phải nộp không cao hơn với các bên liên doanh trong nước, khoản chi thực tế cho bên liên quan trong nước thì được khấu trừ khi tính thuế. Doanh nghiệp đồng thời thực hiện cả hai lĩnh vực tài chính và kinh doanh, khoản chi thực tế cho bên liên quan trong nước sẽ được tính theo phương pháp hợp lý; nếu không được tính tách riêng hợp lý thì sẽ được tính theo tỷ lệ của doanh nghiệp khác có liên quan. Trường hợp, nhà đầu tư không nộp đủ số vốn đầu tư theo cam kết trong thời gian quy định, khoản vay nước ngoài phát sinh chi phí lãi, có chênh lệch với mức phải nộp mà không thuộc khoản chi hợp lý của công ty thì do nhà đầu tư đảm nhiệm, không được khấu trừ vào thuế TNDN.  
Thứ tám, Những điều khoản chống trốn thuế. Doanh nghiệp căn cứ vào những quy định không phù hợp để hạ mức thuế phải nộp, cơ quan thuế sẽ điều chỉnh. Khái niệm “không phù hợp” là những hành vi có ý đồ vi phạm luật: giảm, miễn trừ, kéo dài hoặc tránh những mục khác phải nộp, tăng mục được trả lại, hoàn thuế hoặc những khoản có lợi đối với người hưởng; bao gồm hành vi giao dịch công khai hoặc mờ ám trong thực hiện hợp đồng, hiệp định, kế hoạch, tìm hiểu, cam kết, bảo lãnh hoặc nhưng hành vi giao dịch khác. Những hành vi này cần hội đủ ba điều kiện sau: (i) tổ chức dàn xếp một hay hàng loại hành vi giao dịch; (ii) có hành vi thu lợi nghĩa là giảm mức nộp thuế; (iii) vì mục đích duy nhất hay chủ yếu là giảm thuế TNDN. Nếu hội đủ cả ba điều kiện trên được coi là có hành vi vi phạm. Cơ quan thuế có quyền điều chỉnh, hủy bỏ lợi nhuận do giao dịch mang lại, đồng thời xác định lại mức thuế. Cơ quan thuế tiến hành điều tra đối với hành vi trốn thuế nhằm hoạt động chuyển giá khi phát hiện có dấu hiệu: lạm dụng ưu đãi; lạm dụng hiệp định thuế; lạm dụng hình thức công ty; lợi dụng xuất xứ hàng hóa và hành vi khác. Cơ quan thuế trước khi tiến hành điều tra cần gửi công văn cho doanh nghiệp. Trong 60 ngày doanh nghiệp phải cung cấp toàn bộ giấy tờ theo yêu cầu. Nếu không nộp hoặc nộp không đủ, cơ quan thuế sẽ tiến hành điều chỉnh thuế trên cơ sở thông tin của mình và gửi thông báo tới doanh nghiệp; đông thời khi tiến hành điều tra phải báo cáo Tổng cục Thuế.
Thứ chín, Báo cáo liên quan, báo cáo tình hình kinh doanh và khai báo thuế thì nộp kèm theo toàn bộ hồ sơ giấy tờ giao dịch đối với bên liên quan theo yêu cầu của cơ quan thuế. Tài liệu gồm: quy định về giá, chi phí, cách tính và thuyết minh đầy đủ về tài liệu; tài sản, sử dụng tài sản, sử dụng lao động, giá bán cuối cùng; tài liệu về giá, phương thức tính giá; tài liệu giao dịch, phương thức kinh doanh trong mọi hoạt động giao dịch giữa các bên. Đối với doanh nghiệp thành lập tại Trung Quốc, có trụ sở hoạt động tại Trung Quốc khi khai báo thuế cần nộp “Báo cáo tài chính năm theo quy định” và các tài liệu: báo cáo giao dịch liên quan, báo cáo tiêu thụ, báo cáo lao động, tình hình tài sản vô hình, tài sản cố định, chuyển khoản, sử dụng vốn, đầu tư ra bên ngoài, chi đối ngoại; nếu gặp khó khăn cần kéo dài thì áp dụng theo hướng dẫn chi tiết của Luật quản lý trưng thu…
Theo quy định, có thể phạt tới 10.000 nhân dân tệ đối với những trường hợp không chấp hành giao nộp tài liệu theo yêu cầu; trường hợp cố tình, mức phạt tới 50.000 nhân dân tệ; khi truy thu số thuế cần nộp và phải nộp số tiền lãi là 5%. Đối với những doanh nghiệp không nộp kịp thời các tài liệu theo yêu cầu có thể bị áp dụng mức thuế cao hơn. Trường hợp không khai báo về giá thị trường đúng hạn phạt 2.000 nhân dân tệ và có thể lên đến 10.000 nhân dân tệ trong trường hợp nghiêm trọng..
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực chống chuyển giá cả trên phương diện pháp lý, cũng như thực tế. Chống chuyển giá đã được đề cập ngay từ Thông tư 74/1997/TT-BTC hướng dẫn về thuế đối với nhà đầu tư nước ngoài; được bổ sung và nhấn mạnh trong các Thông tư 89/1999/TT-BTC; Thông tư 13/2001/TT-BTC; Thông tư 05/2005/TT-BTC; Thông tư 117/2005/TT-BTC; Thông tư 66/2010/TT-BTC; Thông tư 71/2010/TT-BTC… và ngày 15/02/2012, Tổng cục Thuế đã thành lập Tổ Quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá trực thuộc Tổng cục Thuế. Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Quyết định 1250/QĐ-BTC gày 21/5/2012 phê duyệt chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012- 2015. Về cơ bản, các quy định về xác định giá thị trường đối với sản phẩm trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết được dựa trên hướng dẫn của OECD, phù hợp với thông lệ quốc tế và phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định tại hệ thống văn bản pháp quy hiện hành của Việt Nam còn hạn chế quyền hạn của cơ quan thuế, hình thức xử lý đối với doanh nghiệp có hành vi chuyển giá tránh thuế còn quá nhẹ, quy định xác định giá thị trường chưa được linh hoạt đối với một số doanh nghiệp có giao dịch liên kết... Do vậy, chưa thực sự hạn chế tối đa các hành vi chuyển giá của doanh nghiệp liên kết, quá trình thực hiện của người nộp thuế cũng như cơ quan quản lý thuế chưa thực sự thuận tiện, cụ thể như sau:
- Vấn đề chuyển giá chưa được Luật hoá; việc áp dụng các phương pháp tính giá theo Thông tư 66/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính còn phức tạp, khó khăn.
- Việc quản lý giá giao dịch chuyển giao sản phẩm giữa các bên liên kết chưa được quy định cụ thể trong Luật thuế hiện hành. Chưa có hệ thống định mức bình quân theo ngành nghề, hệ thống tỷ suất lợi nhuận bình quân ngành, hệ thống giá... làm cơ sở so sánh, ấn định thuế. Chưa có qui định việc lưu trữ sổ sách kế toán, hồ sơ khai thuế dưới dạng dữ liệu (kết xuất dữ liệu từ phần mềm kế toán và các hồ sơ khai thuế điện tử) để cung cấp thông tin phục vụ công tác thanh, kiểm tra thuế.
- Mức độ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế đối với các trường hợp chuyển giá còn quá nhẹ, được quy định chung với các hành vi vi phạm khác về thuế (quy định tại Luật quản lý thuế hiện hành, tại Nghị định số 98/2007/NĐ-CP và Thông tư số 61/2007/TT-BTC) mà chưa có hình thức xử phạt riêng, nghiêm khắc hơn nên chưa đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp có hành vi chuyển giá tránh thuế (như xử phạt kê khai sai 10%, phạt chậm nộp 0,05%/1 ngày chậm nộp. Các trường hợp chuyển giá dẫn tới số lỗ luỹ kế bằng hoặc vượt số vốn chủ sở hữu thì cũng chưa có quy định về việc bắt buộc người nộp thuế phải giải thể hoặc không được hoàn thuế GTGT…).
Từ hoạt động chống chuyển giá của Trung Quốc, chắc chắn sẽ là những bài học kinh nghiệm quý giá cho các nhà xây dựng chính sách và các cơ quan có thẩm quyền thực hiện chống chuyển giá của Việt Nam./.
Ths. Hà Hương Lan - Trường BDCB Bộ Tài chính

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

HD là gì ?

Luca Pacioli (1446–1517) - cha đẻ của kế toán hiện đại

Yui Aragaki ...